Bác sĩ ơi, em bị bệnh phát ban đỏ cách đây 2 ngày nay mà không biết nguyên do tại sao. Ban nổi lên, gồ gề, căng cứng, và ngứa rát. Em rất muốn gãi nhưng càng gãi càng ngứa. Bác sĩ có thể lí giải cho tại sao lại xuất hiện ban đỏ và cách chữa trị bệnh nhanh chóng, hiệu quả được không ạ? Em chân thành cảm ơn.
(Bạn Hồ Thị Trúc Mai – 20 tuổi, Huế)
Góc giải đáp.
Bạn Mai thân mến!
Phát ban đỏ là hiện tượng làn da xuất hiện những nốt sần, ban đỏ có hình tròn hoặc không tròn như muỗi đốt, hình dạng có thay đổi và có giới hạn rõ rệt, khi ấn vào những nốt sẩn có cảm giác căng cứng. Các nốt ban đỏ có thể mọc thành từng cụm hoặc lan toàn bộ cơ thể, kèm theo đó là biểu hiện nóng rát, khó chịu, rất muốn gãi cho “đã ngứa”. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng nếu không điều trị sớm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến diện mạo và cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.
Nội dung bài viết bao gồm:
I. Phát ban đỏ trên da – những điều cần biết
1. Nguyên nhân gây bệnh phát ban đỏ trên da
2. Nhận biết dấu hiệu phát ban đỏ trên da
II. Cách điều trị phát ban đỏ trên da hiệu quả
1. Cách chữa phát ban đỏ bằng phương pháp dân gian
2. Trị phát ban đỏ trên da bằng phương pháp Đông Y
3. Điều trị phát ban đỏ trên da bằng Tây y
III. Một số lưu ý người bị phát ban đỏ cần TUÂN THỦ
1. Vệ sinh da sạch mỗi ngày
2. Không được gãi vùng da bị nổi phát ban đỏ
3. Chế độ ăn uống khoa học, hợp lý
4. Thăm khám bệnh
I. Phát ban đỏ trên da – những điều cần biết
Phát ban đỏ ngứa là tình trạng nhiều người mắc phải, thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Hiểu được nguyên nhân cũng như triệu chứng của bệnh sẽ giúp bạn có cách điều trị phù hợp.
1. Nguyên nhân gây bệnh phát ban đỏ trên da
Theo thống kê mới nhất vào tháng 2/2018, có khoảng 20% dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng của chứng phát ban trên da. Hầu hết các trường hợp phát bệnh đều liên quan đến một trong số những nguyên nhân sau:
# Do dị ứng với thuốc:
Theo Gs Bruce brod – giảng viên trường Đại học Havard cho biết các loại thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm không steroid (aspirin, ibuprofen) hoặc có cả steroid khi sử dụng để điều trị bệnh lý nào đó thường gây ra tác dụng phụ đối với những bệnh nhân quá mẫn cảm.
Các ban đỏ thường xuất hiện trong 1 giời đồng hồ sau khi dùng thuốc. Nhưng cũng có không ít trường hợp phát ban đỏ sau 2-3 ngày dùng thuốc nên bệnh nhân không nghĩ rằng mình bị phản ứng thuốc.
# Do yếu tố tâm lý:
Có thể kết luận này làm bạn bất ngờ. Những người thường mang tình trạng thấp thỏm, lo âu, căng thẳng trầm cảm dễ bị phát ban. Sở dĩ điều này có thể xảy ra vì những yếu tố vừa liệt kê đã tác động xấu đến hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Thông thường, phát ban đỏ do stress chỉ xảy ra nhẹ, chưa đến một ngày bệnh sẽ khỏi. Cho nên, khi gặp tình huống này, bạn hãy ngồi thiền, hít thở sâu thì các nốt ban sẽ nhanh chóng biến mất.
# Do môi trường sống:
Môi trường sống ẩm ướt, chứa nhiều khói bụi độc hại, phấn hoa, lông mèo, chó, thời tiết nóng lạnh thay đổi đột ngột…dễ gây bệnh phát ban đỏ trên da. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất với những người bị phát ban, cũng là yếu tố khiến người nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường khổ sở nhất.
Để thoát khỏi tình trạng này, bạn chỉ có thể hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, tăng cường hệ thống miễn dịch và luyện tập cơ thể khỏe mạnh để tăng cường sức đề kháng.
# Do cơ thể tăng nhiệt:
Theo tổ chức Dị ứng Thế Giới, có nhiều trường hợp bị phát ban do nhiệt gây ra. Chẳng hạn khi tập thể dục, khi tắm nước nóng, khi chảy mồ hôi và căng thẳng. Trong các trường hợp trên, nốt phát ban thường xuất hiện từ cổ rồi lan lên mặt, lưng và tay chân.
Nếu phản ứng này thường xuyên diễn ra, bạn nên đến bệnh viện để được khám lâm sàng và dùng thuốc điều trị. – GS Brod khuyên.
# Do cách ăn mặc:
Quần áo bó sát, mang giày dép quá chặt khiến da chịu nhiều áp lực cũng gây nên hiện tượng phát ban đỏ. G.S Brod khuyên rằng, nếu gặp phải tình trạng này, bạn không nên gãi mà nhanh chóng thay ngay quần áo rộng, chất áo mềm, thấm mồ hôi. Hạn chế tối đa những quần áo ôm, bó sát cơ thể.
# Do thức ăn lạ:
Có một số người có cơ địa mẫn cảm, dễ dị ứng với nhiều thực phẩm, đồ uống gây nổi phát ban đỏ.
Các thủ phạm thường bắt gặp là cá, tôm, các loại hải sản…Ngoài ra, thực phẩm chứa nhiều chất phụ cũng là nguyên nhân gây bệnh nhưng nhiều người thường bỏ qua điều này vì nghĩ rằng một lượng nhỏ phụ gia không thể gây phát ban được. Điều này lí giải thắc mắc của bệnh nhân: “Tại sao trước kia ăn món đó không sao, bây giờ vẫn ăn món đó nhưng cơ thể lại phản ứng dữ dội?”. Chất phụ gia thường tìm thấy nhiều trong các loại kẹo, màu thực phẩm (đỏ, vàng, cam) và các chất sulfit trong thịt nguội và rượu.
Nếu như bị phát ban, điều quan trọng bạn cần làm là ghi lại những thực phẩm mình đã ăn trong ngày và để tránh tiêu thụ những thực phẩm gây phát ban trong tương lai.
# Do ảnh hưởng của bệnh tự miễn:
Nếu thấy ban đỏ nổi lên và kéo dài hơn 1 tháng dù bạn đã sử dụng các biện pháp loại trừ, tránh tác nhân gây bệnh thì rất có thể, nguyên nhân gây phát ban là do chứng tự miễn dịch. Bao gồm:
- Bệnh đái tháo đường tuyp 1
- Bệnh Celiac (bệnh do đường ruột nhạy cảm với gluten – một loại protein co strong lúa mạch đen, lúa mì gây viêm niêm mạc ruột non)
- Hội chứng Sjogren (chứng rối loạn hệ thống miễn dịch với hai biểu hiện rõ thấy nhất là khô mắt và khô miệng).
- Luput ban đỏ.
- Phát ban do bệnh viêm da (viêm da dị ứng, vẩy nến, viêm da tiết bã…)
Do vậy, nếu thấy tình trạng này diễn ra dài thì nên tới bệnh viện để xem mình có đang mắc các vấn đề trên hay không.
Ngoài ra, rất nhiều trường hợp trẻ em bị phát ban đỏ do mắc các bệnh lý như: Sốt phát ban, thủy đậu, sởi, tay chân miệng, ban đo do nhiễm khuẩn cấp… và một số bệnh hiếm gặp khác. Nếu con em bạn bị phát ban, cần đưa tới cơ sở y tế để được thăm khám, xác định đúng nguyên nhân và điều trị.
2. Nhận biết dấu hiệu phát ban đỏ trên da
Hiện tượng phát ban đỏ thường dễ nhầm lẫn với mề đay mẩn ngứa. Do đó, bạn cần nắm một số biểu hiện bệnh sau để chẩn đúng bệnh, có cách điều trị hợp lý:
- Bệnh nhân phát ban đỏ thường nổi mẩn đỏ. Ban đỏ này gồm những điểm hay những mảng nhỏ màu hồng. Những mẫn đỏ có thể phẳng nhưng cũng có thể hơi nỗi cộm, căng cứng. Chung quanh các vết ban đỏ có quầng trắng.
- Ban thường nổi trên ngực, sau lưng, bụng và lan tới cổ, cánh tay.
- Phát ban do sốt phát ban không gây ngứa hay khó chịu, thường kéo dài vài giờ đến vài ngày, sau đó lan sang vùng chân và mặt.
II. Cách điều trị phát ban đỏ trên da hiệu quả
Tuỳ theo mức độ phát ban nặng hay nhẹ mà bạn có thể áp dụng một trong số những cách chữa phát ban đỏ sau:
1. Cách chữa phát ban đỏ bằng phương pháp dân gian
Thông thường, khi xuất hiện hiện tượng phát ban đỏ, các chị các mẹ hay rỉ tai nhau mẹo chữa bệnh bằng các loại lá quanh nhà. Những phương thuốc dân gian cứ thế được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Ưu điểm của phương pháp này là các loại lá cây, thảo dược thiên nhiên rất dễ tìm, rẻ, cách thực hiện cũng vô cùng đơn giản. Dưới đâ là 2 cách phổ biến trị bệnh phát ban đỏ.
Cách 1: Chữa phát ban đỏ bằng trứng gà
►Nguyên liệu: 2-3 quả trứng gà ta.
►Cách làm:
- Trứng gà rửa sạch, bỏ vào nước luộc chín, vớt ra.
- Vệ sinh vùng da bị nổi ban đỏ. Tiếp theo đó, lột vỏ trứng gà đang còn ấm rồi lăn lên vùng da phát ban đỏ, cho đến khi trứng nguội thì thôi.
►Lưu ý: Khi lăn trứng gà, không dùng trứng quá nóng lăn để tránh gây bỏng da. Hãy để trứng nguội khoảng 2 phút rồi thực hiện. Cách này sẽ khiến cho da bị nổi ban giảm ngứa và đỏ.
Cách 2: Chữa bệnh phát ban đỏ bằng chè xanh
Sở dĩ lá chè, lá trà xanh, lá khế có thể trị được phát ban đỏ vì trong các loại lá này có chứa chất kháng khuẩn, sát khuẩn mạnh. Do đó, lá khế, lá chè… thường được dùng để chữa các hiện tượng liên quan đến dị ứng, mề đay, phát ban đỏ…
►Nguyên liệu: lá chè xanh, 2 lít nước sạch.
►Cách làm:
- Lá chè xanh sau khi mua về rửa sạch, cho vào nước nấu sôi 15-20 phút.
- Đổ nước ngoài thau pha cùng một ít nước lạnh rồi tắm.
- Thực hiện mỗi ngày 1 lần, kiên trì áp dụng để giảm nhanh cơn ngứa. Ngoài nước chè xanh bạn có thể thay bằng lá khế, khổ qua rừng đều mang lại kết quả tương tự.
* Đánh giá độ hiệu quả:
Các bài thuốc dân gian thường được áp dụng để trị phát ban đỏ trên da ở mức độ chớm, nhẹ. Đối với những người bị ban đỏ nặng, kéo dài, nếu chỉ áp dụng biện pháp dân gian sẽ chỉ giảm nhẹ các triệu chứng, bệnh không khỏi triệt để được nếu không phối hợp với thuốc đặc trị nguyên nhân gây bệnh tiềm ẩn bên trong.
2. Trị phát ban đỏ trên da bằng phương pháp Đông Y
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người bệnh muốn áp dụng phương pháp Đông y để điều trị phát ban dù tác dụng phương pháp này khá chậm. Theo thầy thuốc Nguyễn Thành Trung: Nguyên tắc chữa bệnh phát ban đỏ trong Đông Y nói chung và các bệnh khác nói riêng trước trước tiên cần xác định được nguyên nhân gây bệnh, ngăn chặn sự xâm nhập của chất lạ kết hợp với dung thuốc. Cách điều trị này đi sâu vào việc tìm ra nguyên nhân, chữa tận gốc căn nguyên gây bệnh để bệnh nhân “khỏi từ trong ra ngoài”.
Dưới đây là một số bài thuốc trị phát ban đỏ được thầy Nguyễn Thành Trung chia sẻ và khuyên nên áp dụng để nhanh khỏi bệnh.
♣ Bài thuốc 1:
– Nguyên liệu:
- Bạc hà, Trúc diệp, Cam thảo, Cát cánh (mỗi vị 6g)
- Liên kiều, Kim ngân hoa, Ngưu bàng tử, Phòng phong (mỗi vị 10g)
– Cách thực hiện: Cho tất cả các nguyên liệu trên vào ấm sắc thuốc cùng với 6 bát nước lọc, sắc cho đến khi còn 2 chén thì lấy nước để nguội rồi uống.
♣ Bài thuốc 2: dành cho những bệnh nhân bị bệnh phát ban có triệu chứng sốt cao trên 40 độ kèm theo chảy máu cam, khô môi, nổi hạch sưng to.
– Nguyên liệu:
- Đan bì, xích thược, hạ khô thảo; côn bố, bạch mao căn, hoàng cầm, chi tử sao đen (mỗi vị 10g);
- Thạch cao 20g;
- Tri mẫu 9g.
– Cách thực hiện: Sắc lấy nước uống thuốc.
♣ Bài thuốc 3: bài thuốc thích hợp cho những người phát ban xuất hiện các triệu chứng: sốt cao, khô môi, hầu họng sưng đỏ, mắt đỏ, ho, sưng hạch, ngứa nhiều.
– Nguyên liệu:
- Bối mẫu, hạnh nhân, tang diệp, tiền hồ, hoàng cầm, phòng phong, địa phu từ, câu đằng, xạ can, huyền sâm, sài hồng (mỗi vị 6g);
- Thạch cao 15g;
- Bản lam căn 10g;
- Thuyền thoái 3g.
– Cách thực hiện: sắc uống mỗi ngày một thang.
3. Điều trị phát ban đỏ trên da bằng Tây y
Những người có hệ miễn dịch tốt, phát ban đỏ tường chỉ kéo dài từ 3-5 ngày là khỏi bệnh. Tuy nhiên, trong những trường hợp phát ban đỏ gây hiệu ứng như sốt, bội nhiễm trên da thì người bệnh cần dùng một số thuốc như:
- Thuốc kháng sinh Histamin: loại thuốc này có tác dụng giảm cơn đau, dịu nốt mẩn đỏ nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ cho nên người bệnh nên hạn chế dung khi làm công việc đòi hỏi sự tập trung cao.
- Corticoid: Bôi tại chỗ lên ban, ngày bôi hai lần trong giai đoạn phát ban cấp. Song không nên lạm dụng corticoid vì thuốc có thành phần gây mỏng da, tăng nguy cơ nhiễm trùng da, nhất là da mặt và nơi có làn da mỏng thì không nên dùng.
►Lưu ý: Khi có nhu cầu sử dụng thuốc tây để điều trị hiện tượng phát ban trên da, người bệnh cần được có sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự tiện dùng thuốc khi chưa được phép của bác sĩ, tránh tác dụng phụ của thuốc gây ra.
III. Một số lưu ý người bị phát ban đỏ cần TUÂN THỦ
Bên cạnh dùng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, người bị phát ban đỏ cần tuân thủ một số nguyên tắc sau để tránh bệnh chuyển nặng hơn:
1. Vệ sinh da sạch mỗi ngày
Nhiều người chủ quan hiện tượng phát ban đỏ trên da là căn bệnh da liễu nên cần kiêng gió, nước. Điều này hoàn toàn sai lầm. Nguyên nhân gây phát ban đỏ là do virus gây nên. Do đó, để tránh tình trạng da tổn thương, viêm nhiễm cũng như hạn chế sự lây lan của ban đỏ, người bệnh cần giữ gìn vệ sinh thân thể và nơi ở sạch sẽ.
Khi vệ sinh thân thể, bạn nên dùng nước ấm để lau nhẹ nhàng vùng da bị bệnh, vệ sinh 1 lần trên ngày, không nên tắm quá nhiều lần.
2. Không được gãi vùng da bị nổi phát ban đỏ
Khi bị phát ban, vùng da trên cơ thể bạn sẽ cực kì nhạy cảm. Nhiều bạn nghĩ dung sữa tắm để vệ sinh cơ thể sạch hơn. Tuy nhiên, các loại sữa tắm, kem bôi da, mỹ phẩm, nước hoa được khuyến cáo dễ gây ngứa ngáy làm tang nguy cơ tổn thương trên da.
3. Chế độ ăn uống khoa học, hợp lý
Bệnh nhân khi bị phát ban đỏ cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là các loại vitamin C,E,A và các khoáng chất thiết yếu giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, ban đỏ chóng biến nhất, bệnh nhanh chóng được đẩy lùi. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, thực phẩm gây kích thích như tiêu, ớt hoặc các loại hải sản như tôm, mực, cua…) gây dị ứng cho da.
4. Thăm khám bệnh
Sau khi áp dụng 1 trong số phương pháp trị bệnh trên mà các vết ban đỏ trên da không có dấu hiệu cải thiện, thậm chí bệnh còn chuyển hướng tiêu cực thì bạn nên đến ngay trung tâm y tế để được khám và khắc phục triệt để triệu chứng trên.
Tóm lại, việc điều trị bệnh phát ban không hề khó. Quan trọng nhất vẫn là người bệnh ý thức được bệnh, có kiến thức để áp dụng đúng cách thì bệnh sẽ cải thiện được bệnh. Đó là một số điều tôi muốn chia sẻ với bạn Mai cũng như những bạn đang mắc phải hiện tượng phát ban đỏ. Chúc các bạn sớm khoẻ bệnh.
Bác sĩ: Nguyễn Thị Bình An – công tác tại bệnh viện Nhân dân 115
Tham khảo thêm: Cách xử lý khi bị phát ban do dị ứng thời tiết
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!