So với mề đay thông thường, mề đay phù mạch khiến nhiều gây ra nhiều tác hại và để lại nhiều di chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Hiểu rõ về bệnh là một trong những điều cần thiết để có thể điều trị, ngăn ngừa bệnh lý này hiệu quả nhất.
Tìm hiểu chung về bệnh mề đay phù mạch
Mề đay phù mạch là hiện tượng sưng nề của da hay niêm mạc nằm sau trong da trong thời gian ngắn (thường không quá 7 ngày). Bệnh lý này có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, tuy nhiên thường gặp nhất là nổi mề đay sưng môi hay mắt. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể gây sưng phù đường hô hấp và tiêu hóa.
1. Nguyên nhân gây bệnh mề đay phù mạch
Thực tế, có khá nhiều nguyên nhân gây bệnh mề đay phù mạch, điều này gây khá nhiều khó khăn trong việc xác định nguyên nhân để điều trị bệnh. Cụ thể đó là:
- Dị ứng thuốc: các thuốc liên quan đến bệnh mề đay phù mạch bao gồm thuốc cản quang chứa iod, kháng sinh nhóm beta- lactam, quinolon, các thuốc ức chế thần kinh cơ.
- Một số thực phẩm như cá biển, hải sản, đậu phộng,…hay thực phẩm chứa phẩm màu, chất bảo quản có thể gây nên bệnh lý mề đay phù mạch.
- Tác nhân gây dị ứng từ môi trường như phấn hoa, mủ cao su, lông động vật,…
- Thời tiết thay đổi đột ngột, quá nóng hay quá lạnh, nguồn nước ô nhiễm,…
- Một số bệnh như u lympho, viêm gan, rối loạn lupus, bệnh lý tuyến giáp,…
- Rối loạn chức năng hệ miễn dịch hay rối loạn chức năng protein có thể gây nên mề đay phù mạch.
2. Triệu chứng của bệnh mề đay phù mạch
Nếu như xuất hiện một số triệu chứng sau, bạn nên thăm khám với bác sĩ da liễu có chuyên môn để được điều trị kịp thời:
- Sưng phù thường xuất hiện ở mắt hoặc môi nhưng có thể lan rộng ra tứ chi, cổ họng, cơ quan sinh dục.
- Tại chỗ phù nề có thể ngứa hoặc không, nhưng thường gây đau đớn, căng và bỏng rát.
- Không xuất hiện ban đỏ.
- Sưng nề có thể xuất hiện trong ruột, phổi gây nên hiện tượng khó thở nghiêm trọng, dẫn đến tử vong.
- Phù họng, lưỡi gây khó thở.
- Phù đường tiêu hóa gây buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng.
- Giọng nói khàn, ho khan, mặt tím tái.
Bên cạnh đó, mề đay phù mạch do di truyền sẽ phát hiện vào tuổi dậy thì, vào chu kỳ kinh nguyệt, vận động quá sức hoặc mang thai. Kèm theo với những triệu chứng trên là một số biểu hiện nghiêm trọng hơn như:
- Đau quặn bụng, chuột rút.
- Sưng mặt, tay chân, cơ quan sinh dục đột ngột.
- Khó thở.
3. Biến chứng của mề đay phù mạch
Bệnh mề đay phù mạch nếu không được chữa trị kịp thời bằng các liệu pháp y tế có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như:
- Những đám sưng và phù nề lớn gây ngứa ngáy hơn bình thường, da căng đau rát.
- Sưng thanh quản gây khó thở, sốt, mệt mỏi, khát nước liên tục.
- Các vết sưng làm mặt biến dạng kèm theo buồn nôn, đau đầu do sưng phù đường tiêu hóa.
- Giảm huyết áp dẫn đến co giật hoặc trụy tim mạch.
Chữa bệnh mề đay phù mạch
Điều quan trọng để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh mề đay phù mạch là bạn nên thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa. Qua các xét nghiệm, bác sĩ sẽ biết nguyên nhân gây bệnh, tình trạng bệnh để đưa ra phác đồ điều trị và thuốc phù hợp.
1. Thuốc chữa mề đay phù mạch
Bệnh nhân mề đay phù mạch nhẹ được điều trị tương tự như mề đay thông thường bằng các thuốc kháng histamin H1, H2 hay glucocorticoid. Trong trường hợp bệnh nhân bị phù nề đường hô hấp thì được sơ cứu đường thở rồi nhập viện ngay lập tức. Nếu bệnh nhân bị phù mạch kéo dài thì cần được tiêm adrenalin dưới da, corticosteroid toàn thân, kháng histamin toàn thân.
Còn trường hợp mề đay phù mạch mãn tính đáp ứng kém với các nhóm thuốc điều trị trên thì cần được điều trị bằng 3 bước.
- Bước 1: Dùng thuốc kháng histamin không an thần.
- Bước 2: Dùng thuốc kháng histamin gây an thần.
- Bước 3: Dùng thuốc ức chế miễn dịch ( như ciclosporin, methotrexate) hoặc Corticosteroid đường uống.
Một số liệu pháp khác có thể dùng để điều trị bệnh mề đay phù mạch như:
- Nhóm thuốc ức chế kallikrein (ecallantide) hoặc bradykinin (icatibant).
- Nhóm thuốc đồng hóa steroid như axandrolone, stanazolol, danazol.
- Acid tranexamic
- Tiêm tĩnh mạch yếu tố ức chế C1
2. Chế độ sinh hoạt khi bị mề đay phù mạch
Trong quá trình điều trị bệnh mề đay phù mạch, bệnh nhân nên lưu ý một số vấn đề trong sinh hoạt như:
- Có thể chườm túi đá lạnh lên vùng sưng để cải thiện phù nề.
- Hạn chế tiếp xúc với những nguyên nhân có thể gây bệnh như nước hoa, xà phòng, thức ăn lạ,…
- Bổ sung những thực phẩm chứa vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng.
- Không tự ý mua thuốc sử dụng, dùng thuốc theo đúng liều lượng và chỉ định của bác sĩ, không tăng hay giảm, bỏ liều.
Để tránh những di chứng không mong muốn có thể xảy ra thì người bệnh nên hiểu đúng về bệnh cũng như cách điều trị kịp thời và thích hợp. Trong trường hợp thấy bệnh tiến triển thì nên thăm khám và điều trị với bác sĩ có chuyên môn.
Tìm hiểu thêm:
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!