Cách chữa dị ứng da không khó “quan trọng là phải đúng”

Chứng dị ứng da thường đến một cách đột ngột kèm theo biểu hiện nổi mẩn, ngứa ngáy hết sức khó chịu. Trong trường hợp chỉ bị dị ứng nhẹ, không khó để giải quyết dứt điểm tình trạng này chỉ bằng một số cách chữa dị ứng da tại nhà từ lá mướp, cỏ nhọ nồi, vỏ chanh hay lá tía tô…Điều quan trọng là bạn phải thực hiện đúng cách thì mới nhanh khỏi.

Nội dung bài viết bao gồm:

Dị ứng là gì?

Dị ứng da là gì?

  1. Cách nhận biết da bị dị ứng
  2. Nguyên nhân gây dị ứng da
  3. Dị ứng da có nguy hiểm không?

Cách chữa dị ứng da hiệu quả nhất hiện nay

  1. Sử dụng thuốc trị dị ứng da từ tây y
  2. Liệu pháp chữa dị ứng da
  3. Cách chữa dị ứng da tại nhà cho trường hợp nhẹ
  4. Bí kíp điều trị dị ứng da cho các trường hợp thường gặp

Trong quá trình điều trị dị ứng da cần chú ý

Cách kiểm soát dị ứng da của bạn

Dị ứng là gì?

Dị ứng là một khái niệm dùng để chỉ trạng thái phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch. Thường thì phản ứng dị ứng sẽ xảy ra ngay lập tức hoặc sau vài giờ kể từ khi có các yếu tố dị nguyên như vi khuẩn, mạt bụi nhà, nấm mốc, hay phấn hoa… xâm nhập vào cơ thể. Lúc này các tế bào bạch cầu mast trong cơ thể sẽ được kích hoạt và sản sinh ra kháng thể IgE để chống lại các yếu tố kích thích.

Tình trạng dị ứng có thể xảy ra ở nhiều bộ phận trong cơ thể như da, mắt, mũi, phổi… Do vậy mà y học hiện đại chia dị ứng thành nhiều dạng khác nhau như dị ứng da, dị ứng mắt, viêm mũi dị ứng, hen suyễn. Trong đó, dị ứng ngoài da là dạng phổ biến nhất, bất cứ ai có thể gặp phải.

Trong phạm vi bài viết hôm nay, xin mời quý độc giả hãy cùng chúng tôi đi sâu vào tìm hiểu về bệnh dị ứng da và cách điều trị hiệu quả. Từ đó có cách phòng ngừa, xử trí cấp cứu kịp thời khi bản thân và gia đình không may bị dị ứng.

Dị ứng da là gì?

Dị ứng da (còn được gọi là bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng) là một phản ứng tự vệ của cơ thể khi gặp những tác nhân gây kích ứng da như không khí ô nhiễm, thực phẩm độc hại, côn trùng, chất tẩy rửa hay hóa mỹ phẩm kém chất lượng… Chúng khiến cho hoạt động của hệ miễn dịch bị rối loạn và tấn công bất cứ vùng da nào như mặt, tay, chân, lưng…Trường hợp bị dị ứng nặng thì da bị tổn thương trên diện rộng, có khi là toàn bộ cơ thể.

Bất cứ ai cũng có thể bị dị ứng, từ người lớn đến trẻ nhỏ, đặc biệt những người có cơ địa dị ứng là có nguy cơ cao hơn cả. Đa số các trường hợp bị dị ứng, các triệu chứng trên da có khả năng thuyên giảm dần và biến mất trong vài ngày khi không còn tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên. Tuy nhiên cũng có những người bị khá nặng, tình trạng bệnh kéo dài dai dẳng và có khuynh hướng ngày càng trầm trọng phải nhờ đến sự trợ giúp của y tế.

Bác sĩ Hoàng Văn Minh tư vấn về cách chữa dị ứng da
Theo bác sĩ Hoàng Văn Minh: Dị ứng da không phải là bệnh cấp cứu nhưng có những trường hợp bị nặng nên tiến hành điều trị ngay để tránh nguy cơ bị suy hô hấp dẫn đến tử vong

1. Cách nhận biết da bị dị ứng

Khi bị dị ứng ngoài da, bằng mặt thường chúng ta có thể thấy được một số biểu hiện rất rõ ràng trên da như:

  • Da bị phù nề, nổi mề đay, mẩn đỏ
  • Khu vực da bị dị ứng dần trở nên thô, dày, đậm màu
  • Sắc mặt kém, da đổ nhiều mồ hôi
  • Ngứa da: Cơn ngứa có thể râm ran hoặc dữ dội
  • Vị trí bị dị ứng thường là vùng đầu, lưng, tay chân, hoặc có khi cơ thể bị nổi mẩn ngứa toàn thân.
  • Việc gãi ngứa có thể khiến da bị tấy đỏ, sưng, rĩ dịch và có nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn
  • Các biểu hiện khác ngoài da: Bên cạnh các bất thường về da, hiện tượng dị ứng da còn kèm theo một số dấu hiệu toàn thân như buồn nôn, nôn ói, khó thở, trống ngực đập mạnh, phù nề đường hô hấp…

Ngoài ra, tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà chứng dị ứng còn có một số biểu hiện đặc trưng riêng. Chúng sẽ giúp bạn xác định được tác nhân gây dị ứng và đi đúng hướng điều trị.

2. Nguyên nhân gây dị ứng da

Chia sẻ về các nguyên nhân gây dị ứng da, bác sĩ Hoàng Văn Minh cho biết: Tình trạng dị ứng da chỉ hết hẳn khi chúng ta loại bỏ được nguyên nhân gây bệnh. Có rất nhiều yếu tố được xác định là thủ phạm khi gây dị ứng ngứa da như:

  • Dị ứng da do dùng thuốc Tây: Bất cứ loại thuốc nào cũng có thể khiến da bị dị ứng nếu sử dụng không đúng cách hoặc dùng kéo dài, phổ biến nhất là thuốc kháng sinh. Da bị dị ứng với thuốc sẽ gặp các triệu chứng như nổi mề đay, ban ngứa màu hồng, mặt mũi sưng phù, hơi thở mệt mỏi, một số người còn bị sốc thuốc.
  • Da bị dị ứng với thực phẩm: Trong số các loại thực phẩm thì tình trạng dị ứng hải sản diễn ra phổ biến nhất. Bạn sẽ có cảm giác ngứa ngáy trong cổ họng, toàn thân bị nổi mề đay, môi, lưỡi hay họng đều sưng phù, khó thở, sốt cao.
Các thực phẩm có thể gây dị ứng da
Dị ứng thực phẩm là một trong những dạng dị ứng ngoài da thường gặp
  • Côn trùng cắn cũng gây dị ứng da: Nọc độc của các loại côn trùng như kiến, muỗi, sâu bọ…có thể gây ra các phản ứng dị ứng tại nơi da tiếp xúc như sưng đỏ da, nổi mụn nước, sốt cao, phát ban rải rác khắp người. Mức độ nghiêm trọng tùy theo độ độc của của từng loại côn trùng.
  • Dị ứng ngoài da do mỹ phẩm: Tình trạng dị ứng sẽ xảy ra khi chúng ta sử dụng mỹ phẩm có thành phần không phù hợp hoặc dùng kem dưỡng được pha trộn hóa chất độc hại. Lúc này da sẽ bị kích ứng, nổi mẩn đỏ, khô và bong tróc da, da nhanh lão hóa và xuất hiện nhiều vết thâm đen.
  • Dị ứng da do hóa chất: Da tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, các chất tẩy rửa có thể bị nóng rát, phù nề và có thể bị rỉ nước. Hiện tượng này thường gặp ở tay chân- những vị trí thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất.
  • Ngứa da, nổi sẩn do dị ứng thời tiết: Tình trạng dị ứng thời tiết có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong năm, đặc biệt là vào mùa nóng, mùa lạnh hay những khi thời tiết chuyển mùa.

3. Dị ứng da có nguy hiểm không?

Bệnh dị ứng da có thể gây nguy hiểm trong trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ khi tiếp xúc với dị nguyên. Nếu không được xử lý cấp cứu ngay, người bệnh có thể bị trụy mạch, suy tim, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng.

Đối với các trường hợp còn lại, tùy theo mức độ trầm trọng của dị ứng mà bệnh sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến bệnh nhân như:

  • Hầu hết bệnh nhân đều cảm thấy phiền toái, khó chịu với những cơn ngứa do dị ứng mang lại. Các vết sẩn cũng nổi ở một hay nhiều vị trí trên cơ thể khiến làn da trở lên mất thẩm mỹ, công việc hàng ngày cũng bị cản trở.
  • Da có nguy cơ bị nhiễm trùng, bội nhiễm cao khi cào gãi thường xuyên
  • Bệnh có khả năng tái đi tái lại nhiều lần khiến da dễ bị thâm sẹo.
  • Hiện tượng dị ứng da cũng có thể làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây ra các triệu chứng bất thường như đau đầu, nôn ói, hoa mắt… Một số trường hợp còn kèm theo biểu hiện hen suyễn, viêm mũi dị ứng, chán ăn.

Như vậy, tình trạng dị ứng da cũng có thể gây nguy hiểm chết người. Dù bị dị ứng nặng hay nhẹ thì bạn cũng nên tìm cách khắc phục để dập tắt bệnh ngay, tránh để các triệu chứng trở nặng tới mức mất kiểm soát.

Cách chữa dị ứng da hiệu quả nhất hiện nay

Để chữa dị ứng da không khó nếu bạn loại trừ được tác nhân gây dị ứng và sớm áp dụng một số giải pháp chữa trị dưới đây:

1. Sử dụng thuốc trị dị ứng da từ tây y

Sử dụng thuốc Tây là một trong những cách đối phó hữu hiệu nhất cho các trường hợp có biểu hiện dị ứng nặng. Tuy nhiên bệnh nhân cần thận trọng dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để không gặp phải những tác dụng phụ ngoài mong muốn.

Các loại thuốc đực dùng trong điều trị dị ứng bao gồm:

# Thuốc bôi chữa dị ứng da:

– Corticoid: 

Corticoid được tìm thấy trong nhiều nhãn hiệu thuốc như Triamcinolon, Hydrocortison, Flucina, Betamethasone… Chúng có tác dụng kháng viêm mạnh, đồng thời giúp ức chế miễn dịch, giảm ngứa ngáy nổi mẩn trên da, chống viêm nhiễm hiệu quả.

Thuốc trị dị ứng da
Dùng thuốc bôi chữa dị ứng da
  • Chỉ định: Thuốc được chỉ định những đối tượng bệnh nhân là thanh thiếu niên và người lớn. . Trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú, người cao tuổi không nên sử dụng loại thuốc này.
  • Liều lượng sử dụng: Ngày thoa thuốc 2 -3 lần tùy theo độ mạnh của thuốc và tình trạng dị ứng trên da.
  • Tác dụng phụ phổ biến: Rát da, khô da, rạn da, rậm lông…

– Thuốc chống nhiễm khuẩn:

Nhóm thuốc này bao gồm kem bôi chứa hoạt chất kháng sinh (Gentamycine, Tétracycline) , thuốc tím, thuốc đỏ, xanh Méthylène, thuốc kháng nấm…

  • Chỉ định: Dùng cho các trường hợp bị dị ứng ngứa da do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm
  • Liều dùng: Lấy thuốc thoa trực tiếp lên da sau khi làm sạch khu vực bị dị ứng. Số lần sử dụng theo hướng dẫn in trên bao bì thuốc hoặc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Tác dụng phụ phổ biến: Một số phản ứng phụ như kích ứng da, lờn thuốc, lệ thuộc vào thuốc, do sử dụng không đúng cách hoặc quá lạm dụng.

– Thuốc kháng histamin:

Loại thuốc này giúp ức chế giải phóng histamin trong cơ thể. Qua đó, cải thiện tình trạng dị ứng và cắt đứt nhanh cơn ngứa.

  • Chỉ định: Thuốc kháng histamin được chỉ định cho các trường hợp bị ngứa, nổi mề đay do dị ứng da mặt. Thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Cách dùng: Vệ sinh da mặt sạch sẽ và lấy một lượng thuốc vừa đủ bôi lên chỗ da mặt bị dị ứng. Không nên để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ngay sau khi thoa thuốc.
  • Tác dụng phụ phổ biến: Làm tăng tính nhạy cảm của da với ánh nắng, tăng sắc tố da.

# Thuốc chữa dị ứng ngoài da dạng uống:

Các loại thuốc chống dị ứng dạng uống chủ yếu là thuốc thuộc nhóm histamin như Chlorpheniramin, Thuốc Loratidine, Thuốc Fexofenadin, Citirizine, loratin,… Các thuốc này thường được chỉ định cho những trường hợp bị dị ứng toàn thân.

Chúng cho tác dụng giảm triệu chứng nhanh nhưng khi sử dụng bạn có thể bị buồn ngủ. Vì vậy trong quá trình được điều trị dị ứng bằng loại thuốc này bạn nên tránh các hoạt động đòi hỏi sự tập trung cao độ như lái xe, vận hành máy móc…

2. Liệu pháp chữa dị ứng da

Nếu không đáp ứng tốt với thuốc điều trị hoặc có biểu hiện sốc phản vệ, người bệnh được chỉ định dùng các liệu pháp chữa trị như:

# Áp dụng liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch được xem là một bước đột phá mới trong điều trị bệnh lý dị ứng ngoài da. Khi thực hiện, bệnh nhân sẽ được tiêm một chất gây dị ứng vào cơ thể với liều lượng tăng dần trong một thời gian. Điều này sẽ giúp ngăn chặn sự sản xuất quá mức của các kháng thể IgE trong atopy. Qua đó, làm giảm mức độ nghiêm trọng cả dị ứng hoặc hạn chế các đợt dị ứng mới phát triển..

Bệnh nhân được áp dụng liệu pháp miễn dịch thường là những người có cơ địa dị ứng, tình trạng dị ứng da tái phát nhiều lần và có biểu hiện nặng ảnh hưởng đến chất lượng sống và sinh hoạt hàng ngày.

# Sử dụng EpiPen nếu có ( trường hợp sốc phản vệ) 

EpiPen là tên gọi của bút tiêm Epinephrine- một chất tổng hợp hóc môn tự nhiên adrenaline tự nhiên được sản sinh ra nhằm mục đích giải phóng năng lượng trong cơ thể.

Cách chữa dị ứng da bằng bút tiêm EpiPen
Cách chữa sốc phản vệ do dị ứng bằng bút tiêm EpiPen

Khi có biểu hiện bị sốc phản vệ cấp tính do dị ứng, bệnh nhân sẽ được tiêm một mũi epinephrine nhằm nhanh chóng làm giảm các triệu chứng của dị ứng, giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ tử vong. Sau khi được tiêm thuốc bệnh nhân vẫn cần được theo dõi sát sao bởi nhân viên y tế để ngăn ngừa tình trạng sốc phản vệ giai đoạn hai.

3. Cách chữa dị ứng da tại nhà cho trường hợp nhẹ

Hầu hết các trường hợp bị dị ứng nhẹ có thể tự khắc phục bệnh tại nhà mà không cần phải dùng đến thuốc điều trị. Với các mẹo tự nhiên đơn giản dưới đây, cơn ngứa ngáy và các triệu chứng khó chịu do dị ứng gây ra sẽ nhanh chóng được dập tắt.

# Chữa dị ứng ngoài da bằng hoa đỗ quyên

Đỗ quyên không chỉ được biết đến với vẻ ngoài rực rỡ mà còn có tác dụng chữa bệnh. Y học cổ truyền thường dùng loại hoa này trong các bài thuốc điều hòa kinh nguyệt, trừ phong, khử đàm. Nó cũng có tác dụng giảm ngứa do dị ứng hay do mắc các bệnh lý ngoài da.

– Nguyên liệu cần có: 30-60g hoa đỗ quyên tươi

– Cách sử dụng: Đem hoa đỗ quyên rửa sạch rồi cho vào ấm nấu với 2 lít nước. Đun sôi kỹ khoảng 10 phút để các hoạt chất trong hoa đỗ quyên tiết hết ra nước. Cuối cùng chỉ việc gạn thuốc ra uống nhiều lần trong ngày thay cho nước lọc.

# Cách trị dị ứng da bằng đậu xanh + đậu tương

Xét về mặt dinh dưỡng, đậu xanh và đậu tương đều là những loại ngũ cốc có tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể. Ngoài ra chúng còn chứa nhiều khoáng tố tốt cho da như canxi, photpho, kali, magie, kẽm , sắt và thành phần cao các loại vitamin C và E. Nhờ có tác dụng nhanh, mẹo chữa dị ứng ngứa da này cũng đang được nhiều người rỉ tai nhau áp dụng.

Chị Bích Huyền ( 32 tuổi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chia sẻ: “Nhà mình có gen bị dị ứng cơ địa nên lâu lâu thời tiết thay đổi hoặc ăn nhiều đồ biển, thịt gà là y như rằng người cứ ngứa ran hết cả lên. Những lúc bị dị ứng mình toàn hầm chè đậu xanh với đậu tương ăn thôi. Nhẹ thì một hai ngày là khỏi, nặng lắm cũng không quá một tuần.”

Công thức trị dị ứng ngoài da bằng đậu xanh và đậu tương được chị Huyền áp dụng khá đơn giản như sau:

Cách trị dị ứng hiệu quả bằng đậu xanh, đậu tương
Đậu xanh kết hợp với đậu tương điều trị dị ứng hiệu quả

– Nguyên liệu cần có: 100g đậu xanh và 100g đậu tương, đường phèn vừa đủ ngọt

– Cách sử dụng: Đem đậu nghiền cho vỡ đôi ra, đãi sạch và cho vào nồi hầm khoảng 30 phút đậu sẽ chín nhừ. Cuối cùng chỉ cần thêm đường phèn vào là có thể thưởng thức. “Món này vừa ngon miệng vừa giúp giải độc, giảm ngứa, chống nổi mẩn tốt lắm.”- Chị Huyền chia sẻ thêm.

# Cách trị dị ứng da bằng lá hành + hẹ + rượu trắng

– Nguyên liệu cần có: Lá hẹ (150g), lá hành (50g), rượu trắng (30ml)

Trong đó:

  • Lá hẹ: Vị thuốc có tác dụng giải độc, kháng viêm, lợi tiểu, chống nổi mề đay mẩn ngứa do dị ứng.
  • Lá hành: Giúp chống khuẩn, ngăn ngừa viêm nhiễm, bổ sung vitamin A,B,C làm tăng sức đề kháng cho da.

– Cách sử dụng: Lấy lá hành và lá hẹ đem nấu chung với rượu và một ly nước lớn, đun sôi 5-10 phút thì tắt bếp. Chia thuốc làm 2 lần uống. Thuốc nấu ngày nào nên dùng hết ngày đó.

# Cách chữa dị ứng da tại nhà bằng khổ qua

Nhờ có tính năng giải độc, làm mát gan, chống khuẩn tự nhiên mà khổ qua ( mướp đắng) được tin tưởng sử dụng trong bài thuốc chữa dị ứng tại nhà. Khi bị dị ứng bạn nên ăn khổ qua thường xuyên, kết hợp dùng nó làm mặt nạ chống dị ứng bên ngoài da theo các sau:

– Nguyên liệu cần có: 1 trái mướp đắng, 3 thìa mật ong

– Cách sử dụng: Trước tiên bạn đem mướp đắng rửa sạch, ngâm trong nước muối pha loãng 15 phút để diệt khuẩn. Sau đó bỏ ruột mướp đắng đi, phần cùi cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn chung với mật ong. Thoa đều hỗn hợp lên vùng da bị dị ứng, để 20 phút sau thì rửa lại bằng nước mát cho sạch. Thực hiện liên tục mỗi ngày một lần cho đến khi hết hẳn dị ứng.

# Điều trị dị ứng da bằng chanh

Bí quyết này thích hợp cho những người đang bị dị ứng da mặt. Mặc dù cách thực hiện hơi cầu kì và mất thời gian song đây thật sự là một giải pháp hữu ích bạn không nên bỏ qua.

– Nguyên liệu cần có: 20 ml rượu 40 độ, 1 cái vỏ chanh, muối và phèn chua mỗi thứ 1 thìa cà phê, 1 củ nghệ vàng thái lát vỏng.

– Cách sử dụng: Với các nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn sàng ở trên, bạn cho tất cả vào nồi với 2 lít nước và nấu sôi kỹ. Dùng nước này xông và rửa mặt hay các vùng da bị dị ứng khác mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối.

# Cách chữa dị ứng da bằng lá mướp

Theo bác sĩ Bạch Thị Thảo ( Viện Nghiên Cứu Phát Triển Y Dược Cổ Truyền Việt Nam): Nhờ chứa chất sát khuẩn, kháng viêm tự nhiên nên lá mướp được Y học cổ truyền sử dụng để điều trị rất nhiều bệnh da liễu. Đối với những người đang bị dị ứng thì việc dùng lá mướp có tác dụng ngăn ngừa nhiễm khuẩn, giảm ngứa cho vùng da bị tổn thương.

Chữa dị ứng tại nhà bằng lá mướp
Cách chữa dị ứng tại nhà đơn giản bằng lá mướp

Nguyên liệu cần có: Lá mướp tươi, số lượng nhiều hay ít tùy theo khu vực da bị ảnh hưởng

Cách sử dụng: Lá mướp bạn đem rửa và ngâm trong nước muối pha loãng để diệt khuẩn. Tiếp theo xắt nhỏ lá mướp ra giã nát, vắt lấy nước cốt thoa lên vùng da bị dị ứng. Thực hiện liên tục mỗi ngày 2-3 lần trong vài ngày sẽ thấy thuyên giảm.

# Cách trị dị ứng trên da bằng lá tía tô

Lá tía tô chứa nhiều thành phần rất tốt cho sức khỏe như vitamin A, C, phot pho, sắt, canxi… Nhờ những chất này mà tía tô có công dụng sát khuẩn, chống viêm và tăng sức đề kháng cho làn da.

– Nguyên liệu cần có: 60g lá tía tô

– Cách sử dụng: Không mất quá nhiều thời gian, với cách này bạn hãy lấy lá tía tô giã nát để chắt lấy nước cốt uống. Kết hợp lấy phần bã đắp lên vùng da bị dị ứng khoảng 15 phút để mau cho kết quả hơn.

# Cách điều trị dị ứng da tại nhà bằng cỏ nhọ nồi

Trong cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” có ghi nhận, cỏ nhọ nồi có tác dụng cầm máu, bổ thận, giải độc, tiêu viêm. Ngoài tác dụng chữa bệnh trĩ, rong kinh, viêm gan, cấm máu vết thương, cỏ nhọ nồi còn được dùng như một vị thuốc để chữa các vấn đề ngoài da như ngứa da, nổi mề đay, dị ứng.

– Nguyên liệu cần có: 1 nắm cỏ nhọ nồi

– Cách sử dụng: Để chữa dị ứng, bạn chỉ cần giã nát lá cỏ nhọ nồi. Thêm một chút nước lọc vào, quậy hỗn hợp lên cho đều và dùng một miếng vải xô lọc lấy nước cốt uống. Phần bã lấy đắp vào khu vực da đang bị tổn thương sẽ giúp cải thiện tình trạng sưng viêm và ngứa da.

4. Bí kíp điều trị dị ứng da cho các trường hợp thường gặp

Trong số rất nhiều nguyên nhân gây dị ứng thì mỹ phẩm và hải sản là hai tác nhân thường gặp nhất. Dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ cách khắc phục cho từng trường hợp cụ thể để bạn biết xử lý đúng cách khi không may rơi vào một trong hai trường hợp này.

# Cách trị dị ứng da do dùng mỹ phẩm:

Thông thường các triệu chứng của dị ứng mỹ phẩm sẽ ngay lập tức biểu hiện ra bên ngoài chỉ một thời gian ngắn sau khi thoa lên da. Chính vì vậy, nếu bạn nhận thấy làn da có biểu hiện hiện nóng rát, ngứa ngáy, nổi mẩn thì không nên ngưng dùng ngay. Nhanh chóng rửa da dưới vòi nước mạnh để loại bỏ sạch lớp mỹ phẩm trên da đi.

Nên rửa mặt ngay sau khi có biểu hiện dị ứng ngứa da do mỹ phẩm
Nên rửa mặt ngay sau khi có biểu hiện dị ứng ngứa da do mỹ phẩm

Thông thường, sau khi ngưng sử dụng mỹ phẩm thì các triệu chứng cũng dần thuyên giảm và hết hẳn. Tuy nhiên cũng có những trường hợp xử lý chậm trễ khiến da bị dị ứng nặng. Tùy theo mức độ trầm trọng mà cần dùng thêm một số loại thuốc Tây như:

  • Nếu da có biểu hiện viêm: Dùng các thuốc bôi chứa corticoid như Flucinar, Eumovate, Hydrocortisone, Dermovat…Loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ cho da nên chỉ được dùng trong ngắn hạn. Nếu sau 1 tuần không thấy bớt cần đi khám để bác sĩ thay đổi liều dùng hoặc đổi loại thuốc khác hiệu quả hơn.
  • Dị ứng mỹ phẩm nặng: Bệnh nhân cần dùng thêm các thuốc chống dị ứng theo đường uống như: Semprex, Celestamine, Clarytine hay Peritol. Kết hợp uống vitamin C liều cao để tăng sức đề kháng cho cơ thể, giúp chứng dị ứng nhanh chóng bị đẩy lùi.

# Chữa dị ứng da do ăn hải sản

Các biểu hiện của dị ứng hải sản có thể xuất hiện ồ ạt sau khi chúng ta ăn được vài miếng thức ăn. Nhẹ thì da chỉ bị nổi mẩn ngứa, mề đay, nặng thì có thể bị nôn ói dữ dội, hoặc nặng hơn là khó thở, sốc phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Vậy phải làm sao khi bị dị ứng hải sản?

Trước tiên bạn dùng ngón tay đưa sâu vào trong miệng để kích thích gây nôn cho tới khi nôn hết sạch thức ăn trong bụng ra ngoài. Nếu cơ thể có các dấu hiệu nghiêm trọng, người nhà nên đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế gần nhà để được cấp cứu ngay.

Trường hợp bị dị ứng hải sản nhẹ, da chỉ có biểu hiện nổi mẩn ngứa thì có thể tự xử lý tại nhà bằng cách uống nước ấm mật ong, nước chanh tươi hay nước hoa quả để cải thiện hệ miễn dịch, bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng cho da nhanh bình phục. Ngoài ra kết hợp áp dụng một số mẹo chữa dị ứng mẩn ngứa tại nhà như đã hướng dẫn ở trên để đẩy lùi các triệu chứng khó chịu.

Trong quá trình điều trị dị ứng da cần chú ý

– Luôn theo dõi kỹ triệu chứng dị ứng

Trong quá trình dùng thuốc hay áp dụng các phương pháp điều trị khác, các triệu chứng dị ứng có thể được khống chế. Tuy vậy bạn cũng không nên chủ quan ngưng điều trị ngay bởi nếu mầm mống của bệnh chưa được loại bỏ hoàn toàn thì tình trạng dị ứng vẫn tiếp diễn trở lại. Vì vậy, sau khi dùng thuốc bạn cần theo dõi ít nhất sau vài tiếng để không bỏ sót bất kì biểu hiện xấu nào xảy ra.

– Cảnh giác với các triệu chứng nghiêm trọng và gọi cấp cứu ngay khi cần:

Đừng ngại gọi 115 khi bạn có các biểu hiện như phù mạch, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh, suy hô hấp… Đây là những triệu chứng cảnh báo tình trạng dị ứng đang ở mức độ nghiêm trọng, nếu không được xử lý cấp cứu ngay sẽ có thể bị đe dọa đến tính mạng.

Cách kiểm soát dị ứng da của bạn

Để kiểm soát tốt các cơn dị ứng da, không cho tình trạng thêm tồi tệ hoặc tái diễn lần nữa, bạn cần thực hiện một số việc làm đơn giản sau:

– Ghi nhớ hoạt động trước khi bị dị ứng da

Ghi chép lại các hoạt động trước khi xảy ra dị ứng da
Ghi chép lại các hoạt động trước khi xảy ra dị ứng da sẽ giúp tìm ra thủ phạm gây bệnh

Hãy bình tĩnh ngồi suy nghĩ lại xem trước khi bị dị ứng bạn có tiếp xúc với chất gì không hay có dùng thuốc tây không, ghi chép lại các thực phẩm mới ăn trong những bữa gần đây… Điều này khá quan trọng vì chỉ khi tìm ra được thủ phạm gây dị ứng thì chúng ta mới có cách xử lý phù hợp, hiệu quả.

– Tránh tác nhân kích thích

Một khi đã xác định được các tác nhân gây dị ứng rồi thì không nên tiếp tục tiếp xúc hay sử dụng chúng thêm lần nữa.

– Cố gắng uống nhiều nước:

Nước đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể mà nó cũng đặc biệt cần thiết khi chúng ta bị dị ứng da. Cơ thể được cung cấp đủ nước sẽ có khả năng thải độc trên da tốt hơn. Nó cũng giúp ngăn chặn tình trạng khô da và giảm thiểu các tổn hại do tình trạng dị ứng gây ra.

Do đó khi da đang có biểu hiện bị dị ứng, tốt nhất bạn nên cố gắng uống từ 2-3 lít nước một ngày. Nguồn nước bổ sung cho cơ thể có thể là nước lọc, nước canh, sữa hay nước trái cây đều rất tốt. Tránh sử dụng các loại nước ngọt, cà phê hay trà đặc vì chúng có thể kích thích khiến cho các phản ứng dị ứng thêm nặng nề hơn.

– Chăm sóc da đúng cách khi bị dị ứng:

Khi làn da đang bị dị ứng, bạn không nên sử dụng mỹ phẩm, phấn trang điểm hay bất cứ sản phẩm chăm sóc da nào khác. Có thể sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh da 2-3 lần/ ngày để giảm tình trạng ngứa ngáy và sát khuẩn cho da.

Ngoài ra cần chú ý:

  • Tránh cào gãi hoặc thường xuyên sờ tay lên khu vực da bị bệnh khiến da bị tổn thương nặng hơn
  • Luôn giữ cho da khô ráo, sạch sẽ
  • Trang bị kem chống nắng và các vật dụng cần thiết như ô, nón, kính mát, quần áo dài tay để bảo vệ da khi ra ngoài trời.

– Cẩn thận khi chế biến thức ăn

Để chữa bệnh dị ứng da thành công bạn nên ăn uống theo một chế độ khoa học, phù hợp. Tăng cường ăn các thực phẩm giàu vitamin B, E, C, D, protein, tinh bột, rau xanh và hoa quả tươi. Đây là nguồn cung cấp các dưỡng chất giúp làm tăng sức đề kháng cho da và giúp tổn thương trên da mau được chữa lành.

Ngoài ra, nên cắt giảm muối, đồ ngọt, đồ ăn cay nóng, hải sản, các thực phẩm chế biến sẵn và tránh dùng các món ăn lạ. Có thể đó là những món ăn khoái khẩu của bạn, nhưng tạm thời hãy loại bỏ chúng ra khỏi thực đơn nếu không muốn tình trạng dị ứng trở nên trầm trọng hơn.

– Chú ý tới vật nuôi

Không nuôi chó mèo trong nhà khi đang bị dị ứng da
Không nuôi chó mèo trong nhà khi bị dị ứng da

Một số người bị dị ứng khi tiếp xúc với lông chó mèo. Trường hợp này, bạn không nên để vật nuôi trong nhà hoặc cho chúng ngủ chung trên giường nếu không muốn tiếp tục rước họa vào thân.

– Giữ vệ sinh sạch sẽ

Hiện nay nhiều người vẫn còn giữ quan niệm nên kiêng nước tuyệt đối khi bị dị ứng da. Điều này hoàn toàn không nên chút nào bởi khi không tắm rửa hàng ngày, bụi bẩn và mồ hôi bám trên da sẽ là môi trường lý tưởng để vi khuẩn phát triển. Chúng không chỉ là tác nhân dẫn đến dị ứng da mà còn khiến cho tình trạng bệnh thêm nặng.

Bên cạnh việc giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ thì bạn cũng cần chú ý siêng dọn dẹp nhà cửa cũng như môi trường sống chung quanh. Các vật dụng như rèm cửa, chăn, màn, chiếu, gối nên được giặt giũ định kì để loại bỏ các tác nhân gây dị ứng tiềm ẩn trong môi trường sống.

– Đề phòng côn trùng cắn khi ra ngoài

Khi ra ngoài vườn, đi làm đồng, hay đi ngoài trời tối bạn nên mặc quần áo dài tay để tránh bị côn trùng, muỗi hay sâu bọ cắn.

– Thông báo cho nhân viên y tế nếu bị dị ứng thuốc

Nếu các triệu chứng dị ứng da xuất hiện sau khi bạn dùng một loại thuốc nào đó, hãy ngưng uống thuốc và thông báo cho bác sĩ điều trị biết để có cách xử lý phù hợp. Có thể bạn sẽ cần được đổi một loại thuốc khác thích hợp và an toàn hơn.

Nếu bạn bị dị ứng da mặt, nên xem ngay: Cách trị dị ứng da mặt bằng lòng trắng trứng gà không hề khó

Cập nhật lúc: 9:33 AM , 13/09/2021

Bình luận

Cách chữa dị ứng da không khó “quan trọng là phải đúng”

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *