Viêm da đầu là một bệnh khá phổ biến liên quan đến sinh hoạt, lối sống, cơ địa,… Viêm da đầu có mủ là một trong những dạng viêm da mủ khá đặc biệt, có thể gây ra nhiều ảnh hưởng cho làn da của bạn nếu không điều trị và phòng ngừa từ sớm.
Tổng quan về bệnh viêm da đầu có mủ
Viêm da đầu có mủ là một dạng viêm da mủ (inflammation) xảy ra trên da đầu. Đây là một trong những bệnh ngoài da có liên quan đến các loại vi khuẩn, đặc biệt là tụ cầu, chủng vi khuẩn liên cầu (Streptigo) và một số chủng vi khuẩn gây ra các bệnh ngoài da khác. Ngoài tác nhân chính là vi khuẩn, một số yếu tố trong sinh hoạt, vệ sinh và chăm sóc da cũng có thể tạo điều kiện cho bệnh có điều kiện bùng phát.
Bệnh dễ xuất hiện ở những vùng da dễ tập trung mồ hôi, bã nhờn, dễ bị bụi bẩn bám vào, đặc biệt là ở vùng da có nhiều lông, râu tóc. Vùng da đầu có rẩt nhiều nang tóc, môi trường có độ ẩm tự nhiên, dễ bám các chất bẩn, tích tụ mồ hôi,… do đó dễ trở thành nơi tập trung các loại vi khuẩn, gây ra tình trạng viêm da đầu có mủ.
Các thể bệnh viêm da đầu có mủ
Viêm da đầu có mủ tùy thuộc vào chủng khuẩn gây bệnh mà chia thành 2 nhóm riêng biệt là viêm da đầu có mủ do tụ cầu và viêm da đầu có mủ do liên cầu. Mỗi dạng bệnh này có một số đặc điểm riêng biệt cũng như có thể kéo theo nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau.
1. Viêm da đầu có mủ do tụ cầu
Tình trạng viêm da đầu có mủ do tụ cầu gây ra những tổn thương chủ yếu xung quanh nang lông, nang tóc trên da của bệnh nhân. Những trường hợp viêm da có mủ do tụ cầu có thể tiến triển thành một số dạng bệnh trên nang lông và tóc như viêm nang lông sâu, nhọt trên da và nhọt ổ gà (riêng nhọt ổ gà chỉ xuất hiện ở những vùng da nách). Ở vùng da đầu, viêm da đầu có mủ do tụ cầu thường gây ra một số thương tổn như:
Viêm nang lông sâu
Dạng viêm nang lông sâu có thể gây ra một số triệu chứng như lông hơi sưng đỏ, xuất hiện tình trạng mụn mủ nhỏ trên da. Những vị trí quanh chân lông cũng có các triệu chứng quầng viêm hẹp. Sau khoảng vài ngày xuất hiện viêm nang lông, các triệu chứng mụn mủ trên da sẽ bắt đầu khô đi và đóng thành lớp vảy tiết sẫm màu. Khi da bắt đầu lành và phục hồi, những vảy khô bắt đầu bong đi. Sau khi viêm nang lông kết thúc thường không để lại sẹo.
Nhọt trên da
Tình trạng nhọt trên da có thể gặp phải ở người bị viêm nang lông với những kích thước khác nhau. Khi bệnh nhân bị nổi nhọt trên da, các hạch bạch huyết có thể sưng đau, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số dấu hiệu như sốt. Nhọt có thể xuất hiện ở nhiều vị trí như lỗ tai, nhọt quanh miệng gọi là “đinh râu”.
Nhọt trên da trong một số trường hợp dễ gây ra viêm nhiễm, bít tắc các mạch máu nhỏ. Những trường hợp nhọt nặng có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng máu, đe doạ tính mạng của người bệnh.
2. Viêm da đầu có mủ do liên cầu khuẩn
Những trường hợp viêm da có mủ do liên cầu khuẩn thường dễ lây, kéo theo nhiều các dạng bệnh chốc khác nhau như chốc lây, chốc loét, chốc mép và hăm kẽ. Tuy nhiên chốc mép chỉ xảy ra ở vùng miệng, hăm kẽ chỉ xảy ra ở vùng bẹn, chốc loét xảy ra chủ yếu ở tay, chân. Ở vùng da đầu, viêm da đầu có mủ thường gây ra chốc lây là chủ yếu:
Chốc lây
Chốc lây là một dạng thương tổn ngoài da có khả năng lây lan nếu như tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch tiết có chứa liên cầu khuẩn. Dạng viêm da đầu có mủ do chốc lây thường khiến cho tóc bị bết vì tiết dịch, da đỏ, có vết trợt. Bệnh nhân cũng có thể xuất hiện các vết sưng, đau ngoài da. Tình trạng chốc lây nếu tiến triển nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu. Nếu không điều trị sớm, dạng chốc này có thể gây ra một số ảnh hưởng nặng nề cho làn da.
Xử trí khi bị viêm da đầu có mủ
Khi phát hiện da đầu có các dấu hiệu tiết dịch, mụn nước, sưng đỏ, có dấu hiệu mủ và dịch tiết thì nên thăm khám sớm để các bác sĩ có những chỉ định phù hợp. Do viêm da đầu có mủ là tình trạng dễ nhiễm trùng nên trong điều trị không nên tự ý sử dụng các loại thuốc bừa bãi vì có thể làm cho viêm nhiễm nặng hơn.
Tùy theo mức độ viêm da đầu có mủ mà bệnh nhân có thể được điều trị với các loại thuốc phù hợp:
- Đối với viêm da đầu có mủ ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc chứa thành phần Hydrocortison, Dexamethason.
- Trường hợp viêm da đầu có mủ tiến triển nặng có thể được điều trị bằng những Corticoid mạnh hơn để giúp chống viêm cũng như diệt khuẩn trên da đầu. Sử dụng corticoid cũng có nhiều mức độ khác nhau và liều dùng riêng biệt nên cần có chỉ định cụ thể để tránh quá liều.
- Các loại dầu gội trị nấm cũng là những sản phẩm phối hợp trong điều trị cho người bị viêm da đầu có mủ. Bệnh nhân có thể được bác sĩ hướng dẫn sử dụng các sản phẩm dầu gội chứa thành phần ketonazole, selenium sulfide, zinc pyrithione để vệ sinh da đầu, giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh.
Trên đây là một số thông tin cần biết về viêm da đầu có mủ, các triệu chứng và hướng điều trị khi mắc phải. Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh, không có tác dụng thay thế cho chẩn đoán điều trị và toa thuốc của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân khi có các dấu hiệu viêm da đầu có mủ cần thăm khám sớm để có những chỉ định điều trị phù hợp nhất.
Một số vấn đề về viêm da
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!