Rụng tóc vành khăn CẢNH BÁO điều gì về sức khỏe của bé?

Theo các bác sĩ nhi khoa, trẻ có thể bị rụng tóc vành khăn do thiếu canxi, vitamin D hay do bị suy giảm hóc môn… Khi bé gặp phải hiện tượng này, ba mẹ cần chủ động tìm hiểu rõ nguyên nhân để có cách khắc phục kịp thời.

Nội dung bài viết bao gồm:

Hiện tượng rụng tóc vành khăn là gì?

Rụng tóc vành khăn là hiện tượng tóc rụng nhiều ở phần sau gáy để lại một khoảng trống trên da đầu có hình dáng tương tự như hình vành khăn. Đây là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Rụng tóc vành khăn và những cách chữa trị hiệu quả
Hiện tượng rụng tóc vành khăn thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi

Bên cạnh hiện tượng rụng tóc thì bé còn có nhiều biểu hiện bất thường khác kèm theo như:

  • Trẻ khó đi váo giấc ngủ, đêm ngũ hay trằn trọc, giật mình, ngủ không yên giấc
  • Bé biếng ăn, ăn uống không được như bình thường
  • Còi xương, chậm phát triển về cân nặng và chiều cao
  • Ra nhiều mồ hôi trộm vào ban đêm
  • Tình trạng này kéo dài sẽ khiến các bé mệt mỏi, thiếu sức sống. Nó cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất cũng như trí tuệ của bé.

Theo bác sĩ Lê Quang Hào ( Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia ): Hiện nay, số lượng trẻ bị rụng tóc vành khăn được cha mẹ đưa tới Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia điều trị khá đông. Cứ 10 bé tới khám thì đã có tới 3-4 trẻ là mắc chứng rụng tóc vành khăn. Có những trường hợp đã được cha mẹ áp dụng đủ mọi cách mà không thuyên giảm, tới khi tóc rụng hói cả một mảng đầu phía sau gáy mới chịu đưa con đi khám.

Nguyên nhân khiến trẻ bị rụng tóc hình vành khăn

Mấy ngày nay, vợ chồng chị Thu Trang ( TPHCM) lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì bé Nấm nhà chị bị rụng sạch tóc ở khu vực sau gáy. Chị có lên mạng tham khảo kinh nghiệm của các mẹ bỉm thì được biết con chị bị rụng tóc vành khăn, chỉ cần cho cho bé uống bổ sung vitamin D và tắm nắng nhiều là được. Nghe theo lời mọi người mách bảo, chị đi mua ngay một lọ thuốc bổ sung vitamin D Aquadetrim về cho con uống. Thế nhưng bé Nấm mới uống thuốc được khoảng 2 tuần là có biểu hiện nôn ói, biếng ăn nhiều hơn và thường xuyên bị táo bón. Lúc này chị mới tá hỏa đưa con đi khám thì mới biết con bị như vậy là do uống vitamin D quá liều.

Về trường hợp này, bác sĩ Lê Quang Hào cho biết: “Thiếu hụt canxi và vitamin D chính là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc vành khăn ở trẻ. Thế nhưng cha mẹ tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc bổ về cho bé uống mà chưa chắc chắn con mình có bị thiếu những dưỡng chất này hay không. Việc bổ sung vitamin D quá liều có thể khiến các bé bị ngộ độc, buồn nôn, đau bụng hoặc thậm chí là ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của thận. Do vậy nếu không có kiến thức chuyên môn, cha mẹ tuyệt đối không nên tự chẩn đoán rồi cho bé bổ sung chất này, chất kia một cách vô tội vạ.”

Thực tế, việc thiếu hụt canxi hay vitamin D không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến chứng rụng tóc vành khăn. Trẻ còn có thể mắc căn bệnh này vì nhiều nguyên nhân khác như:

1. Bé được đặt nằm ở một tư thế quá lâu

Việc cha mẹ thường xuyên đặt bé nằm ở tư thế nằm ngửa hoặc nghiêng sang trái, sang phải quá lâu sẽ khiến cho phần đầu sau gáy bị ma sát vào  gối ,vào chiếu. Trường hợp này bé không chỉ bị rụng tóc nhiều sau gáy mà còn có nguy cơ bị bẹp đầu rất cao.

Rụng tóc hình vành khăn do trẻ nằm ngửa nhiều
Việc để bé nằm ở tư thế ngửa thường xuyên dễ khiến trẻ bị rụng tóc vành khăn

2. Rụng tóc vành khăn do suy giảm hóc môn

Khi em bé còn trong bụng mẹ, nhau thai sẽ tiết ra một loại hóc môn có tên là progesterone, estrogen giúp thai nhi có khả năng phát triển khỏe mạnh. Thế nhưng sau khi được sinh ra đời, thành phần hóc môn này sẽ từ từ sụt giảm. Điều này khiến cho số lượng tóc bị rụng đi nhiều trong khi đó phần tóc mới thì lại không chịu mọc thêm.

Đây là nguyên nhân gây rụng tóc vành khăn khá phổ biến ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Thông thường, đến giai đoạn biết ngồi thì tóc của bé sẽ mọc lại và tóc mới sẽ khỏe hơn tóc cũ.

3. Trẻ được dùng thuốc kháng sinh điều trị bệnh

Một số bé sinh ra không được bú mẹ hoặc ăn uống kém nên có sức đề kháng khá yếu, dễ bị viêm đường hô hấp nên sớm đã phải dùng đến thuốc kháng sinh. Loại thuốc này nếu sử dụng bừa bãi và kéo dài sẽ khiến bé gặp nhiều tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, chậm lớn, rụng tóc hình vành khăn.

4. Trẻ bị nấm da đầu dẫn tới rụng tóc hình vành khăn

Bé bị rụng tóc vành khăn hay rụng nhiều tóc là một biểu hiện của bệnh nấm da đầu. Cha mẹ cần chú ý đến nguyên nhân này khi thấy bé có các dấu hiệu bất thường khác như hay đưa tay lên cào gãi, vò đầu, bứt tóc, có nhiều nốt sần và vảy gàu li ti nằm rải rác trên da đầu.

5. Các nguyên nhân khác khiến trẻ em bị rụng tóc vành khăn

Bên cạnh những nguyên nhân trên thì một số bé còn bị bệnh do mắc chứng thiểu năng tuyến giáp, thiếu sắt hoặc rụng nhiều tóc sau một đợt sốt…

Việc tìm ra được chính xác nguyên nhân khiến bé rụng tóc vành khăn sẽ giúp cho kết quả điều trị được nhanh chóng hơn.

Rụng tóc vành khăn có nguy hiểm không?

Hầu hết các trường hợp trẻ bị rụng tóc vành khăn là hiện tượng sinh lý bình thường không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên cha mẹ cũng nên tích cực tìm hiểu và khắc phục sớm nguyên nhân gây rụng tóc ở trẻ thì hiện tượng này sẽ dần được cải thiện.

Riêng đối các trường hợp mắc bệnh lý hoặc thiếu hụt dưỡng chất thì nên đưa trẻ tới bác sĩ nhi khoa khám để điều trị cho con. Tránh để bệnh kéo dài khiến bé ăn ngủ kém, mệt mỏi, chậm phát triển về thể chất và trí tuệ.

Cách điều trị rụng tóc vành khăn cho bé

Nhiều bậc phụ huynh thắc mắc rụng tóc vành khăn uống thuốc gì cho nhanh khỏi? Theo bác sĩ Lê Quang Hào, ngoại trừ một số trường hợp mắc bệnh lý thì mới phải dùng thuốc đặc trị. Hầu hết các bé rụng tóc vành khăn có thể khắc phục được bằng các biện pháp đơn giản dưới đây:

1. Bổ sung vitamin D cho trẻ

Trường hợp xác định trẻ bị rụng tóc vành khăn do thiếu vitamin D thì các mẹ cần nhanh chóng bổ sung đầy đủ Vitamin D cho trẻ theo một trong 3 cách:

  • Ăn uống: Đây chính là con đường bổ sung vitamin D tốt nhất và an toàn nhất cho trẻ. Mẹ nên thường xuyên cho bé ăn các thực phẩm chứa nhiều vitamin D như cá, sữa tươi, trứng, pho mát, đậu phụ… Nếu bé còn đang bú mẹ thì người mẹ cũng nên tăng cường các thực phẩm này vào trong thực đơn hàng ngày của mình.
  • Tắm nắng cho bé: Trong ánh nắng mặt trời chứa nguồn vitamin D rất dồi dào. Chỉ với 20-30 phút tắm nắng mỗi ngày sẽ giúp bé phát triển cứng cáp hơn, tình trạng rụng tóc hình vành khăn cũng sẽ được khắc phục. Thời điểm tắm nắng cho bé tốt nhất là từ 7-8 giờ sáng. Không nên cho trẻ tắm vào thời điểm nắng gắt vì như vậy có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Tắm nắng bổ sung vitamin D đúng cách giúp cải thiện dấu hiệu rụng tóc vành khăn
Tắm nắng bổ sung vitamin D đúng cách giúp cải thiện dấu hiệu rụng tóc vành khăn
  • Dùng thuốc bổ sung vitamin D: Các bậc phụ huynh có thể suy nghĩ đến việc mua thuốc về bổ sung vitamin D cho bé nếu sau khi cải thiện chế độ dinh dưỡng và tắm nắng không đạt hiệu quả. Tuy nhiên ở mỗi độ tuổi, trẻ sẽ cần được cung cấp một nhu cầu vitamin D khác nhau. Cha mẹ nên nhờ bác sĩ tư vấn để biết cách bổ sung đúng liều lượng cần thiết mà cơ thể trẻ cần.

2. Trường hợp bé bị rụng tóc vành khăn do thiếu hụt canxi

Cha mẹ có thể bổ sung thêm canxi cho con bằng thuốc hoặc cho bé ăn nhiều các thực phẩm chứa canxi như đậu phụ, sữa, tôm, cua… Cần căn cứ vào nhu cầu canxi cơ thể trẻ cần hàng ngày để bổ sung liều lượng cho phù hợp:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi : Cần 300 mg/ngày
  • Trẻ từ 7-12 tháng tuổi: Cần 400 mg/ngày
  • Trẻ từ 1-3 tuổi: Cần 500 mg/ngày

3. Không đặt bé nằm lâu ở mỗi tư thế nằm ngửa

Nhiều bé dù nhỏ nhưng rất hiếu động. Trong quá trình nằm, bé quẫy đạp liên tục nên phần đầu phía sai ma sát mạnh xuống giường dẫn đến rụng tóc. Lâu lâu mẹ có thể thay đổi tư thế cho bé bằng cách lấy một cái khăn cuộn lại và chèn vào lưng của bé để giữ bé nằm nghiêng sang trái hoặc sang phải.

4. Cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời

Sữa mẹ chính là nguồn bổ sung dưỡng chất dồi dào và dễ hấp thu nhất cho bé. Chính vì vậy, trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời không chỉ có sức đề kháng tốt hơn mà còn ít có nguy cơ bị thiếu chất, rụng tóc vành khăn. Nếu sữa mẹ không đủ cần cho bé uống thêm sữa ngoài để không bị thiếu hụt dưỡng chất .

Cho trẻ bị rụng tóc vành khăn bú mẹ hoàn toàn
Cho trẻ bú mẹ là cách chữa rụng tóc vành khăn đơn giản nhưng hiệu quả

5. Bổ sung sắt cho bé đúng cách

Một số bé bị rụng tóc vành khăn được xác định là do thiếu sắt. Trường hợp này mẹ nên cho bé ăn nhiều sò, bí đỏ, thịt bò, ngũ cốc nguyên hạt hay các loại rau màu xanh lá đậm để bổ sung chất sắt tự nhiên cho bé thông qua đường ăn uống.

Nếu chế độ ăn uống hàng ngày không đủ cung cấp sắt cho bé thì mới nghĩ đến việc bổ sung bằng thuốc theo đúng liều lượng của bé như sau:

  • Trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi: 0.6 -1 mg/kg/ ngày
  • Trẻ 7-12 tháng: 11mg/ ngày
  • Các bé đang tập đi: 7mg/ ngày
  • Trẻ 4- 8 tuổi: 10mg/ ngày
  • Trẻ 9-13 tuổi: 8mg/ ngày

6. Trị rụng tóc vành khăn cho bé do sụt giảm hóc môn

Vấn đề này không đáng lo ngại. Sau khoảng 6 tháng, lượng hóc môn trong cơ thể bé sẽ ổn định trở lại và hiện tượng rụng tóc vành khăn cũng sẽ dần được cải thiện.

7. Điều trị chứng rụng tóc vành khăn do bé bị nấm da đầu

Trường hợp này cha mẹ có thể bôi thuốc mỡ lưu huỳnh lên khu vực da đầu của trẻ có nhiễm nấm, liều lượng 1-2 lần vào buổi sáng và buổi tối liên. Hoặc uống các thuốc kháng nấm do bác sĩ chỉ định như Gris-Peg, Lamisil liên tục trong 6 tuần.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh có thể áp dụng các cách trị nấm da đầu dân gian hoặc gội đầu cho bé bằng các loại dầu gội trị nấm để đẩy nhanh hiệu quả trị bệnh. Một khi căn bệnh này được điều trị dứt điểm thì tóc bé sẽ dần dần mọc trở lại.

Giải đắp thắc mắc thường gặp

Xung quanh vấn đề trẻ em bị rụng tóc vành khăn thì cũng có rất nhiều thắc mắc của các bậc phụ huynh gửi đến cho chuyên mục. Dưới đây chúng tôi xin trích dẫn một số câu hỏi của độc giả cũng như lời giải đáp của chuyên gia. Cha mẹ có thể tham khảo để rút ra kinh nghiệm nhằm chữa trị cho con mình được tốt hơn nhé:

# Câu hỏi 1:

Chào bác sĩ, bé nhà em hơi biếng ăn nên 8 tháng rồi mà mới được 6,5 kg, cháu chưa biết bò, đêm ngủ hay trằn trọc và ra nhiều mồ hôi trộm. Nhưng điều em lo nhất là gần đây cháu còn bị rụng nhiều tóc, hói nguyên cả mảng ở sau gáy ( em có để hình phía dưới ạ). Em có tìm hiểu thì được biết đây là hiện tượng rụng tóc vành khăn. Xin hỏi bác sĩ, như vậy có phải con em bị thiếu canxi không ạ? ( Thanh Ngọc, 23 tuổi, Bình Dương).

Thắc mắc về hiện tượng rụng tóc hình vành khăn

Chào bạn! Theo như bạn mô tả thì bé nhà bạn đang có hiện tượng chậm tăng cân, rụng tóc vành khăn do thiếu canxi. Điều này sẽ khiến cho chân tóc bị suy yếu và phần tóc sau gáy rất dễ rụng khi bé cọ đầu vào chiếu. Em có thể cho bé uống bổ sung một đợt canxi theo liều lượng đã hướng dẫn ở trên. Kèm theo đó, thường xuyên cho bé tắm nắng và uống 4-5 giọt Aquadetrim mỗi ngày để bổ sung vitamin D3 giúp cơ thể hấp thụ canxi được tốt hơn.

# Câu hỏi 2:

Bé nhà mình bị rụng tóc vành khăn từ lúc 12 tháng nhưng đến nay gần 3 tuổi rồi mới chỉ mọc loe quoe được vài cọng . Mình chưa cho bé đi khám hay uống bất cứ thứ gì vì nghe mọi người nói trẻ bị rụng tóc vành khăn là bình thường, dần dần sẽ tự hết. Thế nhưng con mình bị lâu vậy rồi mà tóc vẫn chưa mọc lại nên khá sốt ruột. Hơn nữa ngần ấy tuổi rồi mà thóp của bé vẫn còn chưa đầy nên mình đang nghi bé bị thiếu canxi mà không biết có phải không? Trường hợp của còn mình phải làm sao? Mong chuyên mục giải đáp giúp. ( Thắc mắc của mẹ Bích Hằng, Khánh Hòa)

Bích Hằng thân mến! Trung bình thì trong thời gian khoảng 14 tháng một số bé đã bắt đầu đóng thóp và tính đến khi được 24 tháng tuổi thì tỷ lệ trẻ đã đóng thóp chiếm khoảng 96%. Trường hợp của con bạn đến nay đã gần 3 tuổi mà chưa đóng thóp, kèm theo hiện tượng rụng tóc vành khăn có thể do chức năng hoạt động của tuyến giáp trạng kém hoặc do bé bị thiếu canxi.

Tốt nhất mẹ nên đưa bé đi khám để tìm ra nguyên nhân và được bác sĩ hướng dẫn cách xử lý hiệu quả.

# Câu hỏi số 3:

Bác sĩ cho cháu hỏi vitamin D uống vào lúc nào là tốt nhất ạ. Con cháu đang bị rụng tóc hình vành khăn, 10 tháng rồi mà vẫn chưa mọc răng, đứng thì phải có chỗ vịn nhưng cũng chỉ được vài phút. Cháu nghe cô hàng xóm chỉ cho bé uống vitamin D nhưng không biết uống như thế nào cả. Mong bác sĩ tư vấn giúp ạ. ( Vũ Thị Hường, Thanh Hóa).

Chào bạn, bạn có thể cho bé uống vitamin D vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, buổi sáng, buổi chiều hay lúc no, lúc đói đều không ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của bé. Ngoài ra, nên cho bé tắm nắng thêm vào buổi sáng vì ánh nắng mặt trời chính là nguồn bổ sung vitamin C dồi dào và tốt nhất cho bé. Mỗi ngày tắm nắng 20-30 phút là đủ. Về vấn đề này chúng tôi có hướng dẫn chi tiết ở trên, bạn có thể tham khảo để biết cách bổ sung vitamin D cho con tốt nhất.

# Câu hỏi số 4:

Tình hình là bé nhà mình được gần 3 tháng, bé rất biếng bú và chỉ nặng 4,5 kg . Mình đang cho uống vitamin D với liều lượng 1 giọt/ ngày cả gần 2 tháng nay rồi mà tóc sau gáy bé vẫn rụng nhiều giống như bị hói. Nhờ chuyên mục tư vấn giúp mình ạ.( Phương Khanh, 32 tuổi, Quảng Nam).

Bạn thân mến! Thông thường trẻ sơ sinh từ 1 tháng đến 2 tuổi sẽ được uống liều vitamin D dự phòng 1-2 giọt/ ngày. Tuy nhiên trường hợp của con bạn đang bị rụng tóc vành khăn thì bạn nên tăng liều vitamin D cho bé lên thành 4-5 giọt/ ngày liên tiếp trong khoảng 6-8 tuần. Sau khoảng thời gian này mới giảm xuống quay trở lại liều dùng dự phòng ban đầu. Ngoài ra, bé nhà bạn đang có biểu hiện tăng cân kém do biếng bú. Bạn nên mua thêm canxi dạng ống cho con uống kèm vào buổi sáng, mỗi ngày 1/2 ống, uống liên tục khoảng 2 tháng thì ngưng. Không nên cho bé uống canxi vào buổi tối sẽ gây sỏi thận.

Mẹ không nên bỏ qua:

Ẩn

Cập nhật lúc: 9:33 AM , 13/09/2021

Bình luận

Rụng tóc vành khăn CẢNH BÁO điều gì về sức khỏe của bé?

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *